Bách khoa toàn thư mở Wikipedia (For Fresman Y.K21)
Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ hay gọi tắt là Hệ thống tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến trong nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới. Nó còn được gọi là học chế tín chỉ để phân biệt với các phương pháp đào tạo ra đời trước nó như học chế niên chế, học chế học phần. Trên thế giới phương pháp này được áp dụng ở cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Lịch sử Phương pháp đào tạo theo hệ thống tín chỉ ra đời vào năm 1872 tại Đại học Harvard, Hoa kì và sau đó được lan tỏa tới các nước khác, trước hết là các nước tây Âu từ những năm 1960 và hiện nay đã phổ biến trên toàn thế giới. Hiện nay có hai hệ thống tín chỉ được sử dụng rộng rãi là, Hệ thống Tín chỉ của Hoa Kỳ (the United States Credit System - USCS), được thực hiện từ những năm đầu tiên của thế kỷ XX và Hệ thống Chuyển đổi Tín chỉ của Châu Âu (the European Credit Transfer System - ECTS) được xây dựng từ khoảng năm 1985 và được Hội đồng Châu Âu công nhận như là một hệ thống thống nhất dùng để đánh giá kiến thức của sinh viên trong khuôn khổ các nước thành viên EU từ năm 1997. ECTS là hệ thống phát triển rộng rãi nhất và được sử dụng cả ở các nước không thuộc Hiệp hội Châu Âu. Định nghĩa về tín chỉ Hiện nay có khoảng hơn 60 định nghĩa về tín chỉ. Có định nghĩa coi trọng khía cạnh định tính, có định nghĩa coi trọng khía cạnh định lượng, có định nghĩa nhấn mạnh vào chuẩn đầu ra của sinh viên, có định nghĩa lại nhấn mạnh vào các mục tiêu của một chương trình học. Một định nghĩa về tín chỉ được các nhà quản lí và các nhà nghiên cứu giáo dục ở Việt Nam biết đến nhiều nhất là của học giả người Mỹ gốc Trung Quốc James Quann thuộc Đại học Washington. Trong buổi thuyết trình về hệ thống đào tạo theo tín chỉ tại Đại học Khoa học Công Nghệ Hoa Trung, Vũ Hán mùa hè năm 1995, học giả James Quann trình bày cách hiểu của ông về tín chỉ như sau:Tín chỉ học tập là một đại lượng đo toàn bộ thời gian bắt buộc của một người học bình thường để học một môn học cụ thể, bao gồm (1) thời gian lên lớp; (2) thời gian ở trong phòng thí nghiệm, thực tập hoặc các phần việc khác đã được quy định ở thời khóa biểu; và (3) thời gian dành cho đọc sách, nghiên cứu, giải quyết vấn đề, viết hoặc chuẩn bị bài…; đối với các môn học lí thuyết một tín chỉ là một giờ lên lớp (với hai giờ chuẩn bị bài) trong một tuần và kéo dài trong một học kì 15 tuần; đối với các môn học ở studio hay phòng thí nghiệm, ít nhất là 2 giờ trong một tuần (với 1 giờ chuẩn bị); đối với các môn tự học, ít nhất là 3 giờ làm việc trong một tuần. Tín chỉ theo định nghĩa nói trên gắn với học kỳ 4 tháng (semester) được sử dụng phổ biến nhất ở Mỹ. Ngoài ra còn có định nghĩa tương tự cho tín chỉ theo học kỳ 10 tuần (quarter) được sử dụng ở một số ít trường đại học. Tỷ lệ khối lượng lao động học tập của hai loại tín chỉ này là 3/2. Để đạt bằng cử nhân (Bachelor) sinh viên thường phải tích luỹ đủ 120 - 136 tín chỉ (Hoa Kỳ), 120 - 135 tín chỉ (Nhật Bản), 120 - 150 TC (Thái Lan), v.v... Để đạt bằng thạc sĩ (master) sin viên phải tích luỹ 30 - 36 TC (Mỹ), 30 TC (Nhật Bản), 36 TC (Thái Lan)... Theo ECTS của EU người ta quy ước khối lượng lao động học tập ước chừng của một sinh viên chính quy trung bình trong một năm học được tính bằng 60 tín chỉ. Tại Việt Nam, một tín chỉ được quy định bằng 15 tiết học lý thuyết; 30 - 45 tiết thực hành, thí nghiệm hoặc thảo luận; 45 - 90 giờ thực tập tại cơ sở; 45 - 60 giờ làm tiểu luận, bài tập lớn hoặc đồ án, khoá luận tốt nghiệp. Đối với những học phần lý thuyết hoặc thực hành, thí nghiệm, để tiếp thu được một tín chỉ sinh viên phải dành ít nhất 30 giờ chuẩn bị cá nhân. Hiệu trưởng các trường quy định cụ thể số tiết, số giờ đối với từng học phần cho phù hợp với đặc điểm của trường. Đối với những chương trình, khối lượng của từng học phần đã được tính theo đơn vị học trình, thì 1,5 đơn vị học trình được quy đổi thành 1 tín chỉ. Một tiết học được tính bằng 50 phút. Ưu điểm của học chế tín chỉ 1. Phương thức đào tạo theo tín chỉ lấy người học làm trung tâm trong quá trình dạy và học, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của người học. 2. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về môn học. 3. Phương thức đào tạo theo tín chỉ có độ mềm dẻo và linh hoạt về thời gian ra trường. 4. Tạo được sự liên thông giữa các cấp đào tạo đại học và giữa các ngành đào tạo khác nhau của cùng một trường đại học hay xa hơn nữa là giữa các cơ sở đào tạo đại học giữa quốc gia này với các quốc gia khác trên thế giới. 5. Phương thức đào tạo theo tín chỉ đạt hiệu quả cao về mặt quản lý và giảm giá thành đào tạo. 6. Vừa là thước đo khả năng học tập của người học, vừa là thước đo hiệu quả và thời gian làm việc của giáo viên. 7. Có lợi không những cho tính toán ngân sách chi tiêu nội bộ của nhà trường mà còn cả cho việc tính toán để xin tài trợ từ nguồn ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ khác. 8. Phương thức đào tạo theo tín chỉ là cơ sở để báo cáo các số liệu của trường đại học cho các cơ quan cấp trên và các đơn vị liên quan Nhược điểm của học chế tín chỉ 1. Cắt vụn kiến thức. 2. Khó tạo nên sự gắn kết trong sinh viên. Thang điểm trong hệ thống tín chỉ 1. Thang điểm chữ Hiện nay các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc hay Singapore đều áp dụng cách tính điểm theo hệ chữ chữ gồm 5 mức cơ bản A, B, C, D, F. Ở từng quốc gia lại có cách chia nhỏ mỗi mức thành các mức điểm khác nhau như A+, A, A-… cách quy đổi này hạn chế tối đa "range" (khoảng cách giữa 2 mức điểm) và giúp cho sinh viên được xếp loại đúng hơn.Tại Trường Đại học Quốc gia Singapore, điểm của sinh viên sẽ được qui đổi từ hệ 10 hoặc 100 sang hệ điểm chữ A, B, C…. Điều này có nghĩa, thông thường điểm của sinh viên vẫn được tính theo hệ 10 hoặc 100. Điểm này được gọi là raw mark (điểm thô). Đến cuối kỳ, điểm của sinh viên sẽ được quy ra theo hệ A, B, C… nhằm mục đích xếp loại. Mục đích chuyển từ hệ 10 hoặc 100 sang hệ chữ A, B, C… là nhằm mục đích xếp hạng, điều mà hệ điểm số không phản ánh hết. 2. Thang điểm 4 Nếu như thang điểm chữ A,B,C,D dùng để xếp hạng thì hệ 4.0 dùng để tính điểm trung bình cho sinh viên, đơn giản cho việc xét học bổng, điều kiện tốt nghiệp hay xếp loại tốt nghiệp. Ở một số nước không sử dụng thang điểm 4 mà sử dụng thay thế bằng thang điểm 5.
0 Comments
Leave a Reply. |
|